banner header

Thị trường nội địa vẫn bị “bỏ lơ”

Thị trường nội địa vẫn bị “bỏ lơ”

(Thủy sản Việt Nam) - Khác với chăn nuôi, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, nhất là doanh nghiệp lớn đa phần tập trung cho xuất khẩu, thị trường trong nước gần như không tham gia. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến ngành thủy sản rơi vào tình cảnh xuất khẩu sản phẩm thô mà nhập khẩu sản phẩm tinh.

                                                        NO PHOTO

                                                        Nhập khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2018 đạt 1,72 tỷ USD

Nhập ngày càng nhiều

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2018 đạt 1,72 tỷ USD, tăng 19,6% so năm 2017. Nếu so với con số xuất khẩu 9 tỷ USD (tăng 8,4%) rõ ràng tốc độ tăng thủy sản nhập khẩu rất đáng lưu tâm.

Ấn Độ không chỉ là một đối thủ cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu mà ngay cả thị trường nội địa cũng trở thành đối thủ của các nhà sản xuất trong nước, ước tính chiếm 20% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản vào Việt Nam. Thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ hai cho Việt Nam là Na Uy. Nhập khẩu thủy sản từ Na Uy tăng cực mạnh trong năm 2018, lên tới 46,2% so năm 2017, chiếm 10,4% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhập khẩu thủy sản từ các nước Đông Nam Á cũng tăng chóng mặt với mức tăng 59,3%, chiếm 8,8% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản. Với Trung Quốc và Nhật Bản cũng tăng 10,5% và 29,3%, từ Malaysia thậm chí tăng 94,6% trong năm qua, Indonesia tăng 82%, Canada tăng gần 70%.

Một số nước khác chủ yếu nhập khẩu sản phẩm ẩm thực đi vào bếp ăn của người Việt. Na Uy với tổng giá trị hàng thủy sản nhập khẩu đạt hơn 130 triệu USD, tương đương thị phần 10,3%, chủ yếu là cá hồi. Việt Nam còn nhập khẩu thủy sản từ Đài Loan (tôm sú, cá ngừ, mực), nhập từ Nhật Bản các loại cá thu đao, cá hồi, cá tuyết, nhập khẩu từ Indonesia tôm, cua, rong biển. Nhập khẩu từ Anh, Singapore, Malaysia, Chilê… cũng khiến cho sản phẩm thủy sản ngoại ngày càng phong phú đa dạng.

Nhìn chung, nông, lâm, thủy sản Việt Nam ngày càng nhập khẩu nhiều hơn theo sự mở cửa của thị trường. Ước giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 3 năm 2019 đạt 2,55 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 3 tháng đầu năm đạt 7,25 tỷ USD tăng 4,6% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, hàng thủy sản ước giá trị nhập khẩu trong tháng 3 đạt 152 triệu USD, đưa tổng giá trị thủy sản nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2019 đạt 416 triệu USD, tăng 2% so cùng kỳ năm 2018.

Không chú trọng nội địa

Một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tiếng tăm trong nước hầu như ít khi tham gia vào cung ứng cho thị trường nội địa, lý do là “thị trường nội địa mang lại mức lợi nhuận thấp hơn xuất khẩu”. 

Các doanh nghiệp cũng không có nhiều chiến lược phát triển thị phần nội địa, do không có các mặt hàng, các chuỗi cung ứng sản phẩm tươi sống. Có mặt tại chợ thủy sản đầu mối lớn nhất miền Nam là chợ Bình Điền, chúng tôi được các chủ vựa cho biết: “Hầu như không có sự hiện diện của các doanh nghiệp xuất khẩu, mà chủ yếu là các vựa thủy sản thu gom từ các ao tôm, vựa cá, liên kết với các hợp tác xã cung cấp cho thị trường nội địa qua chợ đầu mối chúng tôi”.

Thị trường trong nước với  gần 97 triệu dân và hơn 13 triệu lượt khách du lịch mỗi năm, mức tiêu thụ sản phẩm thủy sản theo đầu người của Việt Nam đang tăng trưởng hàng năm (năm 2020 dự kiến đạt khoảng 40 kg/người) dường như vẫn chưa hấp dẫn các doanh nghiệp trong nước.

Thay đổi cục diện

Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản, trong giai đoạn 2013 -2017, sản lượng các sản phẩm thủy sản chế biến nội địa tăng lên từ 478.000 tấn lên đến 548.000 tấn vào năm 2017, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5,5%/năm. Về giá trị, chế biến thủy sản nội địa tăng từ 13.146 tỷ đồng lên đến 20.321tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13,00%/năm. Tuy vậy,  tỷ lệ hộ sử dụng thủy sản tươi sống nước ngọt chiếm tới 93,1%, thủy sản tươi sống nước mặn và lợ cũng 88,8% do vậy, thủy sản trong nước chủ yếu tiêu thụ tại các chợ truyền thống (chiếm đến 77,2%).

Chính việc các doanh nghiệp trong nước “bỏ lơ” các siêu thị, nơi tiêu thụ nhiều sản phẩm thủy sản đông lạnh, trị giá gia tăng và các sản phẩm cá fillet… đã tạo điều kiện cho các sản phẩm ngoại chiếm lĩnh thị phần ở các thành phố lớn. Ngoài ra, do việc khan hiếm nguyên liệu, nên các doanh nghiệp cũng ưu tiên hoàn thành các hợp đồng xuất khẩu hơn là tiêu thụ trong nước.

Một chuyên gia xuất khẩu thủy sản sang châu Âu phân tích: “Lâu nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị thiếu nguyên liệu, phải nhập khẩu nguyên liệu từ nhiều nước. Đến nay, khi đã toàn cầu hóa và mở cửa thị trường nội địa, các đối tác nước ngoài không chỉ nhập khẩu nguyên liệu mà còn nhập khẩu cả sản phẩm hàng hóa thủy sản thành phẩm giá rẻ vào thị trường Việt Nam thì sự cạnh tranh sẽ rất khốc liệt và vị thế độc tôn của ngành thủy sản trong nước cũng bị thách thức”. 

>> Một khảo sát thị trường tại 794 hộ gia đình ở 3 thành phố, tỷ lệ quan tâm đến thủy sản an toàn ở Hà Nội chiếm 84,2%, TP Hồ Chí Minh 77,5% và Cần Thơ 86,4%, tính chung là 82,5%. Tỷ lệ này cao gấp nhiều lần so với tỷ lệ quan tâm đến giá bán đắt chỉ 15,9%. Như vậy, người tiêu dùng ở các thành phố lớn sẵn sàng bỏ tiền cao hơn để có được sản phẩm thủy sản an toàn hơn.

Copy Right Theo Nguyễn Anh ( tạp chí TSVN)

CHAT TRỰC TUYẾN VỚI CHÚNG TÔI