banner header

7 nhóm giải pháp để ngành tôm về đích thành công

7 nhóm giải pháp để ngành tôm về đích thành công

(Thủy sản Việt Nam) - Năm 2019, ngành thủy sản đặt mục tiêu cho con tôm phải mang về 4,2 tỷ USD. Điều này rất khó khăn trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt và nhiều biến động. Tuy nhiên, ngành tôm vẫn tự tin vào việc hoàn thành mục tiêu.

Điểm danh thách thức

Ngoài nguyên nhân khách quan về sản lượng tôm thế giới tăng cao, giá giảm mạnh; các rào cản kỹ thuật được các nước nhập khẩu dựng lên ngày một nhiều và khó khăn hơn…, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, ngành tôm Việt Nam vẫn tồn tại những vấn đề về chất lượng, giá cả con giống; thức ăn, chế phẩm sinh học; công nghệ nuôi và điều kiện cơ sở hạ tầng… dẫn đến giá thành sản xuất tôm luôn cao hơn các nước bình quân khoảng 1 USD/kg.

Đồng tình với nhận định trên, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú bổ sung thêm: “Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao có tỷ lệ thành công rất cao nhưng hiện chỉ mới chiếm khoảng 10% diện tích, mà nguyên nhân chủ yếu là do người nuôi không đủ vốn để chuyển đổi sang mô hình này. Chưa có giống tôm sú kháng bệnh để phục vụ cho các mô hình nuôi gần với tự nhiên, như: quảng canh, tôm - lúa, tôm - rừng...; các nhà máy chưa thể phát huy hết công suất do thiếu hụt lao động và thiếu vốn để đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại...”.

Còn theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, bên cạnh sức ép từ SIMP, giá tôm nhập khẩu Ấn Độ thấp thì thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ là áp lực lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu và làm giảm sức cạnh tranh của tôm Việt Nam.

Về phía địa phương, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng, nếu không giải quyết được hai khó khăn về xử lý nước thải sau nuôi tôm và khả năng truy xuất nguồn gốc, ngành tôm Bạc Liêu nói riêng và cả nước nói chung khó đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững đã đề ra.

Nhận diện về thị trường, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta chia sẻ, song song với sự phát triển của ngành tôm thì sự chuyển biến của thị trường, khách hàng lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nhất là các rào cản kỹ thuật được các nước dựng lên nhiều hơn, chặt chẽ hơn, kể cả hậu kiểm khi đã lên kệ hàng khiến việc tiêu thụ tôm của Việt Nam ngày một khó khăn hơn.

Tận dụng tốt các lợi thế

Để đạt mục tiêu trong năm 2019, Tổng cục Thủy sản đã đề ra 7 nhóm giải pháp chủ yếu, gồm: Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ của Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025; công tác tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị để gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ; tăng cường kiểm soát và quản lý chất lượng con giống, vật tư đầu vào và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm tôm, nhất là hóa chất, kháng sinh cấm; tổng kết, nhân rộng, phát triển các mô hình nuôi tôm hiệu quả, đặc biệt mô hình nuôi tôm theo 2 - 3 giai đoạn; tăng cường công tác quan trắc môi trường, giám sát, kiểm soát chặt chẽ bệnh dịch trên tôm nuôi; đẩy mạnh phát triển thị trường, xử lý các rào cản kỹ thuật, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tôm. Xây dựng hình ảnh tôm Việt Nam nuôi sinh thái, hữu cơ để quảng bá ra thị trường thế giới và cuối cùng là tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu.

Theo ông Trương Đình Hòe, các doanh nghiệp cần đầu tư phát triển xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng không bị áp thuế chống bán phá giá; đồng thời đáp ứng tốt nhất chương trình SIMP để tạo sự khác biệt so với các nước xuất khẩu khác như Ấn Độ. Giải quyết tốt các vấn đề về chất lượng theo chứng nhận quốc tế như: ASC, BAP… Định vị lại thị trường Trung Quốc theo hướng tăng cường xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển vào các thành phố lớn và cuối cùng là tận dụng tốt lợi thế các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là thị trường EU và nhóm 5 thị trường lớn gồm: Bắc Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Australia.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Phan Văn Sáu thì cho rằng, con tôm cần rút kinh nghiệm thất bại cũng như thành công của con cá tra trong vấn đề quản lý, tổ chức sản xuất. Đó là cần sớm thúc đẩy đi đến việc liên kết chuỗi giá trị từ nuôi đến chế biến để đi lên sản xuất lớn và hiện đại. Phải làm sao từng vùng nuôi đều được cấp mã vạch, chứng nhận quốc tế và không còn người nuôi nhỏ lẻ, tự phát bên ngoài chuỗi liên kết. Các doanh nghiệp cũng cần sớm khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động bằng giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ để phát huy tối đa công suất nhà máy. Bộ NN&PTNT cũng cần quan tâm giải quyết các điểm nghẽn về chất lượng, giá cả vật tư đầu vào, cơ sở hạ tầng, vốn...

Với sự thận trọng cần thiết của một doanh nghiệp, ông Hồ Quốc Lực đề xuất toàn ngành phải nỗ lực đẩy nhanh hơn các chương trình hành động, mang tính đồng bộ, thiết thực và có tác dụng cụ thể, như: tuyên truyền, kiểm tra, ngăn chặn các chế phẩm không được sử dụng trong nuôi tôm, nhất là các kháng sinh cấm một cách quyết liệt, triệt để và duy trì dài hạn. Quy hoạch lại vùng nuôi và đầu tư cơ sở hạ tầng đồng thời với tổ chức lại sản xuất nuôi tôm, quy mô trang trại, HTX đạt chuẩn quốc tế.

copy Nguồn TSVN

CHAT TRỰC TUYẾN VỚI CHÚNG TÔI